Bốn bước học tập để đạt điểm số tối đa trong các bài thi. Ví dụ đối với môn Lịch sử

Trong bài viết Phương pháp của người thông minh – Rèn luyện để tận dụng triệt để khả năng vô tận của não bộ, tôi đã đề cập đến 10 kỹ năng suy nghĩ của người thông minh. Ở bài viết này, tôi giới thiệu bốn bước học tập để đạt điểm số tối đa trong các bài thi để các bạn nhỏ lứa tuổi từ 13-18 có thể tham khảo và xây dựng cho mình cách thức học tập phù hợp.
Quy luật thông dụng trong các bài thi
Quá trình suy nghĩ hình thành từ việc bạn đặt câu hỏi cho bản thân đến việc hình thành các mối liên hệ giữa thông tin mới và thông tin cũ mà bạn đã biết. Những học sinh thông minh thường tự đặt những câu hỏi hữu ích. Những học sinh kém không biết đặt câu hỏi về những gì họ vừa học.
Bạn cần biết rằng, với bất kỳ một môn học nào, luôn tồn tại một số phương pháp, khuôn mẫu hoặc cách thức đặt câu hỏi thông dụng trong kỳ thi. Nếu bạn tập trung vào những kiến thức mình được học, bạn sẽ cảm thấy có hàng ngàn nội dung sẽ xuất hiện trong đề thi. Tuy nhiên, nếu bạn tập trung vào các dạng thức câu hỏi, bạn sẽ nhận thấy chỉ có vài dạng thức câu hỏi cho 1 môn học bất kỳ.
Như vậy, với một môn học cụ thể, bạn có thể tổng hợp và phân loại các dạng thức câu hỏi. Từ đó, tìm phương án trả lời tối ưu cho từng dạng thức câu hỏi. Đó là cách thức để bạn đạt điểm số tối đa trong các bài thi, bài kiểm tra. Cách thức ấy được cụ thể hóa bằng bốn bước học tập sau đây:
Bốn bước học tập để đạt điểm số tối đa trong các bài thi.
Bước 1: Liên hệ thông tin đã học và thông tin chưa học trong từng môn học
Mỗi môn học, bạn sẽ được học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, mọi học sinh thường chỉ tập trung vào môn học đó ở 1 lớp cụ thể. Điều bạn cần làm là xác định xem năm học đó bạn sẽ được học những kiến thức gì, so với năm học trước và năm học sau đó thì như thế nào. Tương tự như thế, khi học 1 bài, bạn cần xác định xem bài trước đã học gì, bài sau sẽ học gì với.
Thực chất của việc làm này là bạn tìm mối liên hệ giữa những kiến thức đã học với những kiến thức chuẩn bị được học. Từ những kiến thức đã học, ban hãy dự đoán về kiến thức mới. Từ đó, bạn sẽ nảy sinh câu hỏi. Hãy sử dụng mọi nguồn thông tin có thể đó để giải quyết những câu hỏi xuất hiện trong đầu bạn. Quá trình bạn tìm kiếm câu trả lời sẽ chính là quá trình bạn tìm thấy kiến thức mới.
– Ví dụ đối với môn Lịch sử:
Cùng mở phần Mục lục của các sách giáo khoa môn lịch sử từ lớp 6 đến lớp 9, bạn sẽ nhận thấy như sau:
- Cả 4 lớp đền có 2 phần: Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam
- Ở mỗi lớp, phần Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam được học tại cùng một giai đoạn. Ví dụ: Lớp 8: Lịch sử thế giới học từ giai đoạn giữa thế kỷ 16 đến năm 1917, thì song song đó Lịch sử Việt Nam học từ 1858-1918
- Nếu vẽ trên trục tia số, bắt đầu từ lớp 6 đến hết lớp 9, cả Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam học từ thế giới cổ đại đến nay.
Như vậy, từ phần Mục lục của sách, mỗi năm học, bạn sẽ xác định được mình đang học ở giai đoạn nào.
Cứ tương tự cách so sánh như thế, bạn hãy tìm mối liên hệ từ bài đã học đến bài chuẩn bị được học. Bạn sẽ thấy mối liên hệ giữa giai đoạn lịch sử này với gia đoạn khác, thấy sự liên hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam.
– Kỹ năng suy nghĩ tương ứng trong bước này:
- So sánh tương quan giữa thông tin đã học và thông tin chưa học
- Lựa chọn và sắp xếp các thông tin
- Tìm mối liên hệ giữa các thông tin
- Giải quyết các mâu thuẫn hoặc câu hỏi bằng mọi nguồn thông tin tìm kiếm được
- Phân biệt các dữ kiện, các thông tin không phải dữ kiện, các ý kiến cá nhân.
Bước 2: Xác định các dạng câu hỏi thường gặp
Đầu tiên, bạn phải xem hết một lượt tất cả các loại câu hỏi khác nhau ở nhiều nguồn khác nhau như: Câu hỏi trong sách giáo khoa, câu hỏi trong các bài kiểm tra trên lớp, câu hỏi trong các bài kiểm tra học kỳ hàng năm, câu hỏi trong các đề thi năm trước.
Từ đây, bạn hãy ghi chú lại tất cả các dạng câu hỏi thông dụng thường đặt ra. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, luôn tồn tại một khuôn mẫu nhất định trong cách đặt câu hỏi.
Ví dụ trong môn lịch sử, các dạng câu hỏi thông dụng gồm có:
- Các câu hỏi yêu cầu trình bày, nêu nhận xét
Ví dụ: Trình bày ý nghĩa của việc ba tổ chức cộng sản nối tiếp nhau ra đời?
- Các câu hỏi có từ hoặc cụm từ “nào, gì, như thế nào”
Ví dụ: Mục đích của Mỹ khi phát động chạy đua vũ trang với Liên Xô là gì?
- Các câu hỏi chọn lọc sự kiện lịch sử và nhận xét
Ví dụ: Lệnh tổng khởi nghĩa của cách mạng tháng Tám được ban bố trong hoàn cảnh nào?
- Các câu hỏi lý giải, khái quát một vấn đề/sự kiện lịch sử
Ví dụ: Nguyên nhân nào dẫn tới sự phát triển của nền kinh tế Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ 2?
- Các câu hỏi về đặc điểm cơ bản lịch sử một nước, một khu vực, trình bày một giai đoạn lịch sử
Ví dụ: Nêu những đặc điểm nổi bật của Châu Á từ sau năm 1945
- Các câu hỏi tổng hợp, so sánh, đánh giá
Ví dụ: So sánh đặc điểm phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Phi với phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á
Bước 3: Xác định các kỹ năng suy nghĩ tương ứng
Với mỗi dạng câu hỏi sẽ yêu cầu các kỹ năng suy nghĩ khác nhau. Do đó, với từng dạng câu hỏi, bạn hãy xác định những kỹ năng suy nghĩ cần thiết.
Chẳng hạn, đối với các câu hỏi về đặc điểm cơ bản lịch sử một nước, một khu vực, trình bày một giai đoạn lịch sử, người ra đề muốn kiểm tra bạn các kỹ năng suy nghĩ như:
- Khả năng lựa chọn thông tin liên quan
- Khả năng trình bày một hoặc nhiều quan điểm cụ thể
- Khả năng tự đánh giá dựa trên các kiến thức hiện hữu
Bước 4: Áp dụng phương pháp trả lời để đạt điểm tối đa cho từng dạng câu hỏi
Mỗi dạng câu hỏi đòi hỏi một phương pháp cụ thể giúp bạn đạt điểm tối đa. Bước tiếp theo là bạn phải học các dạng câu trả lời tương ứng với từng dạng câu hỏi. Bạn có thể học cách trả lời thông qua thầy cô hoặc tham khảo các câu trả lời mẫu.
Ví dụ: Với các câu hỏi lý giải, khái quát một vấn đề/sự kiện lịch sử, trong câu trả lời, bạn phải ghi được ra được bối cảnh lịch sử, các sự kiện cốt lõi của vấn đề.
Bốn bước học tập để đạt điểm số tối đa các môn khoa học tự nhiên
Trên đây là chi tiết bốn bước học tập để đạt điểm số tối đa trong các bài thi để bạn áp dụng kỹ năng suy nghĩ của người thông minh trong quá trình học nhằm tối ưu hóa điểm số của các bài thi. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi ví dụ với môn học Lịch sử. Việc áp dụng kỹ năng này với tất cả các môn khoa học xã hội đều như vậy.
Đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ năng học sẽ không phức tạp quá như vậy, với các môn này, thường chỉ có một câu trả lời chính xác cho một câu hỏi. Tôi sẽ giới thiệu với các bạn một phương pháp học hệ thống hơn đối với các môn khoa học tự nhiên (Tham khảo bài viết tại đây)
Khi hệ thống hóa các dạng thức câu hỏi, các bạn sẽ thường nhầm lẫn nhiều thông tin. Chẳng hạn, với môn lịch sử, các bạn dễ nhầm lẫn các sự kiện, nhân vật, địa danh, hoặc các từ ngữ lịch sử. Để tránh các lỗi như thế này, các bạn nên dùng sơ đồ tư duy để học tập (Tham khảo bài viết tại đây)
Để hiểu tổng thể phương pháp học tập này, bạn nên tìm đọc cuốn sách Tôi tài giỏi, bạn cũng thế của tác giả Adam Khoo; cuốn sách Sơ đồ tư duy của tác giả Tony Buzan (cha đẻ của Sơ đồ tư duy) và cuốn sách Lập bản đồ tư duy của tác giả Tony Buzan
Pingback: Chuẩn bị tốt cho kỳ thi quan trọng của bạn - Phát triển cá nhân
Pingback: Cách thức làm bài thi để đạt được điểm tuyệt đối - Phát triển cá nhân
Cảm ơn bạn
Hay quá
Pingback: Tôi tài giỏi bạn cũng thế - Cuốn sách dành cho lứa tuổi từ 13-22 tuổi