Dạy con học đọc – Phần 1: Tên chữ và tên âm

Dạy con học đọc

Khó khăn đối với bố mẹ khi dạy con học đọc ở nhà là không biết dạy như thế nào cho chính xác với kiến thức con sẽ được học ở trường. Việc dạy con học đọc ở nhà trở nên khó khăn khi với một chữ, bố mẹ không biết nên dạy con như thế nào, ví dụ chữ b nên dạy con là bờ hay là bê. Đó là vấn đề về phân biệt tên chữ và tên âm mà bố mẹ cần biết

Một số kiến thức cơ bản bố mẹ cần biết

Các chương trình Tiếng Việt lớp Một

Hiện nay, ở Việt Nam đang tồn tại song song hai chương trình Tiếng Việt lớp Một: Chương trình hiện hành, Chương trình Công nghệ Giáo dục. Cả hai chương trình đều giới thiệu đầy đủ các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng việt. Các chương trình đều đồng thời dạy học sinh cách đánh vần để hoàn thiện kỹ năng đọc khi kết thúc lớp Một. Sau khi học xong chương trình lớp Một, các em sẽ không còn phải đánh vần để đọc nữa. Một số quy định về tên âm của các chữ cái có thể khác nhau ở cả hai chương trình. Mục đích cuối cùng là giúp học sinh có quy tắc nhớ để đánh vần và đọc trơn tiếng.

Như vậy, để phục vụ các bậc phụ huynh có thể tự dạy con đọc ở nhà, hệ thống bài viết “Dạy con học đọc” hướng tới một phương pháp đánh vần chung mang tính quy luật cho cả hai chương trình. Mục đích của việc dạy con học đọc là để con tiếp cận với âm và tiếng một cách tự nhiên nhất theo quy luật phát triển âm theo đúng lứa tuổi. Do đó, hệ thống bài viết này sẽ khuyến cáo các bậc phụ huynh tránh một số âm và tiếng có sự khác nhau trong hai chương trình Tiếng Việt lớp Một hiện hành và chương trình Tiếng Việt lớp Một công nghệ giáo dục.

Tên chữ và tên âm

Về tên chữ và tên âm, bài viết giới thiệu 29 chữ cái với cách đọc tên chữ và đọc tên âm, cụ thể:

Bảng chữ cái tiếng Việt và tên chữ, tên âm của các chữ cái

Trong trường tiểu học, theo chương trình hiện hành, lớp Một, học sinh sẽ không học tên chữ mà chỉ học tên âm . Học sinh được học tên chữ ở lớp Ba. Giáo viên sẽ chú trọng đến việc dạy học sinh các âm để ghép âm và đánh vần. Theo chương trình công nghệ, học sinh sẽ được học chữ từ lớp Một. Song song đó, học sinh được học tên âm và ghép âm, đánh vần. Như vậy, dù học theo chương trình nào, các con cũng đều sẽ tiếp cận với tên âm của chữ cái và đánh vần tiếng. Do đó, khi muốn tác động vào việc học đọc của con tại nhà lúc con ở giai đoạn 3-5 tuổi, bố mẹ chỉ cần cùng con nhận biết tên âm của những chữ cái đơn giản và quy luật đánh vần.

Tiếng và từ

Cấu tạo của tiếng: Tiếng gồm có 3 bộ phận: Âm đầu, vần, thanh Ví dụ về tiếng:

Vì dụ về Tiếng và cấu tạo tiếng

Dạy con học đọc: Cách đánh vần các tiếng

  • ba: bờ a ba
  • màn: mờ an man huyền màn
  • bóng: bờ ong bong sắc bóng
  • đổi: đờ ôi đôi hỏi đổi
  • cõng: cờ ong cong ngã cõng
  • hậu: hờ âu hâu nặng hậu

Có một số tiếng không có âm đầu, ví dụ: an, ươm, … Trong khuôn khổ tại nhà, bố mẹ nên tránh những tiếng không có âm đầu. Bố mẹ nên để các con sẽ tiếp cận chúng trong trường học.

Từ bao gồm một hoặc nhiều tiếng có nghĩa. Có từ 1 tiếng, từ nhiều tiếng.

Trình từ dạy con học đọc

Bước 1: Dạy con 29 tên âm ở trên. Việc dạy này thông qua các trò chơi – tham khảo tại bài viết Dạy con học đọc – Phần 2: Dạy con đọc chữ và tiếng

Bước 2: Thoát ly mọi đồ dùng, thẻ chữ, … chỉ dạy con cách đánh vần khan. Việc dạy đánh vần cũng thông qua các trò chơi và cần đảm bảo một số nguyên tắc. Tham khảo tại bài viết: Một số nguyên tắc dạy con đánh vần; Bài viết Một số lưu ý khi dạy con học đọc ở nhà.

Bước 3: Dùng thẻ chữ, hoặc chữ cái đồ chơi, … ghép thành các tiếng. Cùng con đánh vần các tiếng đã ghép

Bước 4: Bố mẹ viết tiếng ra giấy hoặc ra vở và cùng con đánh vần.

Bước 5: Bố mẹ viết ra một vài tiếng hoặc từ đơn giản và yêu cầu con đánh vần rồi đọc to.

Cuối cùng, do tính chất ham chơi của trẻ, nên khi dạy con hoc đọc ở nhà, bố mẹ không nên kỳ vọng quá lớn. Cùng chơi với con và tìm ra năng lực đặc biệt của con mới là vấn đề bố mẹ nên quan tâm. Tham khảo tại bài viết Trẻ khác biệt trong lớp học và cách tiếp cận